1. Sau thành lập doanh nghiệp
1.1. Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
1.2. Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán.
1.3. Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
1.4. Bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
1.5. Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.
1.6. Thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định; khi phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
1.7. Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh.
2. Một số công việc cụ thể doanh nghiệp phải thực hiện
2.1. Khắc dấu tròn.
2.2. Kê khai hồ sơ thuế ban đầu: Doanh nghiệp liên hệ Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo Thông báo của Cục thuế thành phố/ tỉnh. Trong trường hợp, sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà doanh nghiệp chưa nhận được thông báo, liên hệ Cục thuế Thành phố để nhận thông báo nhằm đảm bảo không bị trễ hạn kê khai hồ sơ thuế ban đầu.
2.3. Đăng bố cáo: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới doanh nghiệp hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng trên mạng thông tin doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc một trong các tờ báo viết hoặc số điện tử trong ba số liên tiếp.
2.4. Treo biển hiệu đúng quy định.
2.5. Gửi thông báo về việc đã góp đủ vốn cho Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn.
2.6. Lập Sổ đăng ký thành viên – nếu là Công ty TNHH; Sổ đăng ký cổ đông – nếu là Công ty Cổ phần.
2.7. Đặt in và phát hành hoá đơn Giá trị gia tăng (GTGT).
2.8. Đăng ký chữ ký số.
2.9. Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
2.10. Trường hợp phát hiện nội dung trong Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp chưa chính xác so với nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp gửi thông báo yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh hiệu đính cho phù hợp. Việc tự ý thay đổi nội dung Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
2.11. Doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu của doanh nghiệp tại trụ sở chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005.
Bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán dùng cho quản lý, điều hành tối thiểu 5 năm, chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính tối thiểu 10 năm, tài liệu kế toán có tính sử liệu, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng thời hạn lưu trữ là vĩnh viễn.
2.12. Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh, trích Điều 57 Nghị định số 05/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của chính phủ “ Doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và cơ quan thuế ít nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh”.
2.13. Khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký thay đổi kịp thời và chính xác trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi.
2.14. Người thành lập doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
2.15. Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác trong quá trình hoạt động.