Kể từ ngày 1/1/2015 thì quy định về việc đóng bảo hiểm y tế đã được thay đổi rất nhiều, đó là quy định tại nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ hướng dẫn một số nội dung của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), cụ thể như sau:
1. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
a, Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng sau:
“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động)”
– Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng (trước đây NLĐ không phải đóng BHYT trong thời gian này).
(Theo Công văn số 4064/BHXH-THU ngày 17/12/2014 của BHXH TP.HCM)
– Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
– Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.
– Người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế, thời gian đó được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi.
– Người lao động trong thời gian đi lao động tại nước ngoài thì không phải đóng bảo hiểm y tế, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước nếu tham gia bảo hiểm y tế thì toàn bộ thời gian đi lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến thời điểm tham gia bảo hiểm y tế được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục.
– Người lao động trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm nếu không tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm khác, thời gian đó được tính là thời gian tham gia bảo hiểm y tế.
b) Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với đối tượng:
– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
c) Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với đối tượng:
– Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
d) Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với đối tượng:
– Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
– Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
đ) Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với đối tượng: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
e) Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với đối tượng:
– Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước.
– Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước.
– Người có công với cách mạng, cựu chiến binh.
– Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm.
– Trẻ em dưới 6 tuổi.
– Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng.
– Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
– Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.
– Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại điểm i khoản này.
– Thân nhân của các đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
– Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật.
– Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.
– Người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
– Học sinh, sinh viên.
– Trường hợp trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó mà không phải đóng bảo hiểm y tế.
g) Mức đóng của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Trong đó:
– Người sử dụng lao động đóng: 3%
– Người lao động đóng: 1,5%