Ngày 20/03/2015, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức họp báo “Công bố kế hoạch kiểm toán năm 2015” dưới sự chủ trì của các ông: Cao Tấn Khổng – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Mai Xuân Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bùi Đức Thụ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và Đào Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN. Cuộc họp báo đã thu hút đông đảo phóng viên đại diện cho các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội đến dự và đưa tin.
Tại buổi họp báo, Ông Cao Tấn Khổng – Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015, với mục tiêu “tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán”, KTNN sẽ tăng cường đổi mới hoạt động chuyên môn theo hướng tập trung kiểm toán hầu hết báo cáo quyết toán ngân sách năm 2014 của các địa phương và một số Bộ, cơ quan Trung ương có quy mô ngân sách lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo, nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2014 của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quốc hội. Cùng với đó, KTNN sẽ lựa chọn các chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, đặc biệt là các chuyên đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng để tổ chức cho hầu hết các KTNN chuyên ngành, khu vực cùng tham gia kiểm toán nhằm đưa ra những đánh giá toàn diện, sâu sắc về chủ đề kiểm toán được lựa chọn .
Kế hoạch kiểm toán 2014 đã được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và một số cơ quan có liên quan. Theo kế hoạch, năm 2015 KTNN sẽ tiến hành kiểm toán 198 đầu mối bao gồm: 19 bộ, cơ quan Trung ương; 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 48 dự án đầu tư; 35 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước; 14 chuyên đề; 08 chủ đề kiểm toán hoạt động; 17 đầu mối kiểm toán thuộc Bộ Quốc phòng; 06 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng và cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014.
Trong lĩnh vực NSNN, KTNN đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, NSNN năm 2014, làm căn cứ cho HĐND, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2014, trong đó: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung kiểm toán để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu ngân sách, chi sự nghiệp khuyến nông, khuyến công và chi đầu tư xây dựng; các Bộ, cơ quan Trung ương tập trung kiểm toán để đánh giá công tác quản lý, điều hành chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển.
Trong lĩnh vực đầu tư, KTNN tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng công tác quản lý vốn đầu tư và các công trình đầu tư của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong năm 2014 và các thời kỳ trước, sau có liên quan. Đặc biệt chú trọng đánh giá: Tính hiệu lực, hiệu quả việc quản lý đầu tư từ nguồn vốn NSNN và vốn Trái phiếu Chính phủ; Những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương; Công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước và công tác giám sát đầu tư nhằm cung cấp thông tin để phục vụ tốt nhất hoạt động giám sát của Quốc hội, công tác quản lý điều hành của Chính phủ đối với nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công.
Kế hoạch kiểm toán năm 2015 tiếp tục đi sâu vào lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, tiền tệ thông qua các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn năm 2014 tại 35 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam…Đối với doanh nghiệp nhà nước, KTNN tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng tài chính năm 2014; tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 -2015; việc thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất và thị trường, giải quyết hàng tồn kho, tình hình thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng và các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình. Đối với các tổ chức tài chính – ngân hàng, KTNN tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng tài chính năm 2014. Việc điều chỉnh chủ động, linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm sự ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát; việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; công tác quản lý, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng; tình hình thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, việc lồng ghép chuyên đề trong các cuộc kiểm toán tại địa phương năm nay được xác định một cách thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo nguồn nhân lực, thời gian phù hợp và nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán. Trong tổng số 14 chuyên đề độc lập được lựa chọn đưa vào kế hoạch có một số chuyên đề được dư luận xã hội cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm như: Công tác quản lý và sử dụng kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ năm 2014; Công tác phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2014; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2014; Công tác quản lý nợ công…
Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, hiện kết quả kiểm toán năm 2014 đã cơ bản hoàn tất. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 188 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 23.431,7 tỷ đồng, trong đó: Các khoản tăng thu 4.366,1 tỷ đồng; các khoản giảm chi 6.897,6 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu NSNN 3.328,2 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 8.808,4 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 31,4 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để huỷ bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung và đề xuất bổ sung 99 văn bản (sửa đổi, bổ sung 89 văn bản, huỷ bỏ 10 văn bản) không phù hợp với quy định chung của nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, gồm: 02 Nghị định; 15 Thông tư; 07 Nghị Quyết; 29 Quyết định; 11 Công văn; 35 văn bản khác; kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều cá nhân và tập thể liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán.Tại buổi họp báo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ đã trả lời, giải đáp tất cả những nội dung mà báo chí quan tâm./.
Hà Linh