Theo báo cáo của Chính phủ, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong Luật BHXH (2006) dẫn đến mỗi năm có khoảng 500.000 – 600.000 người lao động (NLĐ) hưởng BHXH một lần.
Việc giải quyết BHXH một lần tuy tạo điều kiện cho NLĐ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt, nhưng khi về già không có lương hưu sẽ khó khăn cho bản thân NLĐ, gia đình và xã hội. Như vậy, “về một cục” đối với NLĐ sẽ thiệt nhiều hơn lợi.
Vì quyền lợi của NLĐ
Luật BHXH năm 2006 quy định NLĐ sau 1 năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được giải quyết BHXH một lần.
Tuy nhiên, theo Điều 60 của Luật BHXH 2014, các trường hợp được hưởng BHXH 1 lần thu hẹp hơn so với luật cũ, dành cho NLĐ bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, xơ gan cổ trướng, phong, lao, HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, một số bệnh do Bộ Y tế quy định)… và một số trường hợp khác.
Ngoài các trường hợp được nhận BHXH một lần theo quy định của Điều 60 Luật BHXH 2014, những trường hợp khác được bảo lưu, cộng dồn thời gian tham gia BHXH đến khi có việc làm thì NLĐ tiếp tục đóng hoặc tham gia BHXH tự nguyện để lúc về già được hưởng lương hưu… Cũng theo Luật mới, Chính phủ có phương thức hỗ trợ NLĐ tiếp tục tham gia BHXH.
Trong thời gian bảo lưu, chẳng may NLĐ từ trần, theo quy định họ có thể nhận được tiền mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Ngoài ra, thân nhân của NLĐ cũng được hưởng mức trợ cấp tuất một lần hoặc tuất hằng tháng.
Theo quy định cũ, NLĐ chỉ hưởng BHXH một lần và không có thêm chế độ gì. Luật BHXH năm 2014 cho phép NLĐ chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.
Điều 60 Luật BHXH năm 2014 được xây dựng dựa trên thực tế công tác giải quyết chế độ thôi việc một lần theo chính sách 176 trước đây. Nhiều NLĐ đã nhận một lần số tiền cộng dồn thời gian tham gia BHXH, nhưng sau đó lại muốn được hoàn trả lại quỹ BHXH phần đã nhận, tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH để được hưởng lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định hồi tố.
Chính vì vậy, Luật BHXH 2014 được xây dựng theo hướng hạn chế đối tượng hưởng BHXH một lần để bảo đảm an sinh xã hội, tạo cơ hội cho NLĐ có mong muốn tiếp tục tham gia BHXH được tích lũy thời gian để hưởng lương hưu hàng tháng.
Thận trọng trước khi quyết định
Trước kiến nghị của một bộ phận NLĐ (chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam) được lựa chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006, Chính phủ đang kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.
Tại phiên thảo luận ở tổ ngày 22/5/2015, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến về quy định này ở những góc nhìn khác nhau. Một số đại biểu cho rằng, cần sửa Điều 60 của Luật, để chính sách “mềm” hơn, đáp ứng thực hiện. Tuy nhiên, một số ý kiến khác phân tích, sửa Điều 60 thì lợi ít hơn là thiệt.
Về bản chất của lương hưu, khoản BHXH đóng cho hưu trí là bảo hiểm cuộc sống cho NLĐ khi hết tuổi lao động, già yếu. Đó là cơ sở để Luật bắt buộc người sử dụng lao động phải đóng đến 14% trong tổng số 22% BHXH cho người lao động (NLĐ đóng 8%). Với mục tiêu đó, việc NLĐ chưa hết tuổi lao động lại đòi lấy khoản tiền đó để tiêu dùng, tức là đang trẻ, khỏe lại lấy của tuổi già để chi tiêu, chẳng khác nào “lấy của để dành ra ăn ngay”.
Ngoài ra, nếu sửa lại cho phép NLĐ được lấy BHXH một lần như Luật BHXH 2006 thì rất có thể người sử dụng lao động sẽ phản ứng về mức đóng góp lớn của họ bị sử dụng không đúng với mục đích bảo hiểm cuộc sống cho NLĐ khi hết tuổi lao động.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc điều chỉnh này về cơ bản sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng đối tượng, làm tăng thêm số người không có lương hưu khi về già.
Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước phải tăng chi từ ngân sách cho chính sách đối với người cao tuổi không có lương hưu (năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu).
Mặt khác, khi sửa Điều 60 thì cũng cần tính toán sao cho đảm bảo nguyên tắc cân bằng đóng – hưởng, tránh vỡ quỹ hưu trí. Để đảm bảo sự công bằng và cân đối trong nguyên tắc đóng – hưởng, Luật BHXH 2014 quy định, NLĐ đáp ứng đủ các điều kiện để được về hưu sớm thì khi về hưu trước tuổi vẫn bị giảm trừ lương hưu.
Do đó, không có lý do gì NLĐ lấy BHXH một lần trước hàng chục năm lại không bị giảm trừ. Ngoài ra, vấn đề trục lợi bảo hiểm cũng rất dễ xảy ra khi có đối tượng lợi dụng thu gom sổ BHXH của những NLĐ gặp khó khăn để lấy tiền BHXH một lần. Đây là vấn đề cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Vũ Luyện