Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuân thủ quy định về thuế vì quá nhiều văn bản và quy định. Sáng 8/3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.
Nhiều quy định… lạ lùng
Ông Mai Thanh Tòng, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), góp ý phải quy định rõ nguyên tắc hoàn thuế và không quy định thêm những điều kiện này nọ mới được hoàn.
“Quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp (DN) có số thuế đầu vào – đầu ra âm liên tục 12 tháng thì mới được hoàn thuế. Đó là chưa kể đến nhiều quy định… lạ lùng khác” – ông Tòng nhận xét.
Ông Tòng dẫn chứng quy định không hoàn thuế nếu DN chưa góp đủ vốn điều lệ. “Thật vô lý! Thuế là thuế mà chuyện góp vốn là góp vốn. Đây là hai chuyện khác nhau. Không thể vì chuyện vốn mà ách chuyện hoàn thuế. Tôi mua máy móc, thiết bị đã có thuế rồi, do vậy phải hoàn để tôi còn lấy tiền đó đi trang bị máy móc khác nữa”.
Từ phân tích trên, ông Tòng cho rằng đừng làm khó người dân và đừng đẻ ra quá nhiều điều kiện mà không cho hoàn thuế. Ông nhấn mạnh: “Không nên nói đi nói lại, đuối lý quá thì đưa ra lý do ngân sách không đủ tiền để hoàn! Cứ có thuế dư là phải hoàn chứ đừng đặt điều kiện cá biệt nào”.
Ông Tòng cũng nhận xét rằng DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuân thủ quy định về thuế vì quá nhiều văn bản và quy định. “Cán bộ thuế cũng không nắm được hết văn bản. DN nào muốn tuân thủ thuế là phải “xà quần” trong đám văn bản suốt, thời gian đâu mà kinh doanh”.
Phạt nặng quá sức
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM, góp ý nên quy định hiệu lực của luật này là đầu năm sau. Bởi lẽ quy định có hiệu lực từ 1-7-2016 sẽ không kịp để ban hành nghị định, thông tư và cuối cùng luật cũng phải chờ đợi chứ không áp dụng được đúng hạn. Điều này sẽ sinh ra nhiều rắc rối như lâu nay vẫn bị.
Thông tin tại buổi góp ý cho hay khi xây dựng dự án luật thuế này, nhiều ý kiến cho rằng việc giảm mức phạt chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày xuống còn 0,03%/ngày đối với DN là quá thấp. Điều này sẽ khiến DN cố tình chây ì không chịu nộp thuế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Nghiệp nói mức lãi suất phạt vi phạm với DN chỉ nên là 0,03%/ngày, tức tương đương 11%/năm. Ở mức này, DN đã phải “trả giá” cao hơn mức lãi vay ngân hàng. Nếu áp dụng mức lãi suất phạt 0,05%/ngày, tương đương 17%-18%/năm là quá cao, quá sức của DN.
Đặc biệt, ông Nghiệp cho rằng không nên truy thu tiền phạt DN tính từ thời điểm thông quan hàng hóa. Vì nếu áp dụng quy định này, có DN bị truy thu chỉ 1,2 tỉ đồng tiền thuế nhưng cộng thêm tiền phạt tính theo ngày chậm nộp có thể lên gần gấp đôi, 2,3 tỉ đồng.
Hầu hết vi phạm hành chính hiện nay, tiền phạt chậm nộp chỉ tính từ thời điểm cơ quan quản lý ra quyết định xử phạt mà thôi, bởi không phải DN nào cũng cố tình vi phạm. Hơn nữa do chính sách của ta thay đổi liên tục, DN nắm bắt không kịp. Đó là chưa kể có những mặt hàng cũng khó xác định mức thuế.
“Truy thu chuyện cũ và phạt nặng như thế sẽ làm DN lo lắng và sợ chứ không mạnh dạn làm ăn” – ông Nghiệp nhận định.
Đừng làm doanh nghiệp sợ
Khi được Nhật Bản tập huấn về xây dựng chính sách thì thấy quan điểm của họ là luôn có ba tháng để DN cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp quy định mới; bất kể chuyện nhỏ hay chuyện lớn, từ thay đổi biểu thuế, mã số, tên hàng…
Quan trọng hơn, nhà nước không truy chuyện cũ của DN ra để mà truy thu. Cách làm này khiến cho DN yên tâm sản xuất, công chức thì mạnh dạn xử lý công việc. Ta không thay đổi quan điểm thì DN sợ ta lắm, vừa làm vừa lo. Như vậy thì làm sao DN lớn mạnh được.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM
Phải thay đổi tư duy về phạt DN. Chúng ta đang phạt theo kiểu lo mất khoản nhỏ nhưng chính vì vậy mà để vuột mất nhiều cái lớn hơn.
Ông Trần Du Lịch, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM
Theo Quỳnh Như (Pháp luật TPHCM)
Mời các bạn xem thêm:
4 điểm mới cần lưu ý về chính sách thuế TNDN 2015