Về đăng ký ngành, nghề kinh doanh, cần lưu ý rằng doanh nghiệp chỉ được quyền đăng ký và hoạt động kinh doanh trong những ngành, nghề không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh.
(Quy định tại Điều 7, Luật Doanh nghiệp, Điều 7 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 và từ Điều 7 đến Điều 10 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010).
Các nguyên tắc cơ bản trong lựa chọn ngành, nghề kinh doanh:
– Người thành lập doanh nghiệp tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề theo ngành cấp 4 trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ những ngành, nghề cấm kinh doanh;
– Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đã đăng ký.
– Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
Ví dụ: Điều kiện kinh doanh của ngành, nghề xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật (Nghị định số 126/2007/NĐ-CP) là:
+ Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.
+ Có đề án hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
+ Có vốn pháp định từ 5 (năm ) tỷ đồng trở lên;
+ Ký quỹ một tỷ đồng tại ngân hàng.
– Trường hợp đăng ký ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định thì phải có văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan có thẩm quyền.
Ví dụ: Đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản, yêu cầu vốn pháp định của doanh nghiệp là 6 tỷ (Nghị định số 153/2007/NĐ-CP), theo đó doanh nghiệp phải có xác nhận về việc sở hữu hợp pháp nguồn vốn hoặc tài sản có giá trị tương đương 6 tỷ đồng.
– Trường hợp đăng ký ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Ví dụ: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán phải có ít nhất 3 người có chứng chỉ Kiểm toán viên, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Nghị định số 30/2009/NĐ-CP)
– Quyết định về ngành, nghề kinh doanh phải ghi rõ trong Điều lệ công ty.
Lưu ý:
+ Nên lựa chọn đăng ký những ngành, nghề mà doanh nghiệp sẽ hoạt động.
+ Không nên đăng ký quá nhiều ngành, nghề kinh doanh mà không hoạt động sẽ không xác định được lĩnh vực đầu tư chính cho doanh nghiệp của bạn và cơ quan nhà nước khó khăn trong việc quản lý và phân loại các chỉ tiêu kinh tế.
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ tốt hơn.